Tây Xuân là một xã nằm ở phía Đông Nam huyện Tây Sơn, cách trung tâm huyện lỵ (thị trấn Phú Phong) 2km về phía Đông. Bắc giáp Thị trấn Phú Phong và xã Bình Hoà, Nam giáp xã Canh Liên huyện Vân Canh, Đông giáp xã Bình Nghi, Tây giáp xã Tây Phú và Thị trấn Phú Phong. Xã Tây Xuân gồm có 03 thôn: Phú Hòa, Phú An và Đồng Sim. Toàn xã hiện có 2.032 hộ với 6.979 nhân khẩu; trong đó, có 54 hộ với 185 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Ba na đang sinh sống tại làng Cam, thôn Đồng Sim.

Diện tích tự nhiên 3.663,41ha. Bao gồm: đất lâm nghiệp 2.488,91 ha; đất sản xuất nông nghiệp 718,05 ha, trong đó: đất sản xuất lúa nước 210,5ha; còn lại các loại đất khác 456,45 ha. Xã có Quốc lộ 19 chạy qua khoảng 2,5 km, là nơi nối liền vùng Cao nguyên với các tỉnh Duyên Hải Miền Trung. Do đó, rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - xã hội với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, đây là điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế đa dạng: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nông, lâm nghiệp; vận tải và dịch vụ... Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14 %. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Đời sống vật chất chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Tây Xuân trước 30/4/1975, thuộc xã Bình Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Sau 30/4/1975, huyện Bình Khê được đổi tên là huyện Tây Sơn; xã Bình Phú vẫn giữ nguyên, gồm có 07 thôn: Phú Phong, Phú Hiệp, Phú Thọ, Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú Hòa và Phú An. Đến tháng 3/1979, thành lập thị trấn Phú Phong, xã Bình Phú còn lại 06 thôn. Đến ngày 14/8/1987, Bình Phú được tách thành 02 xã: Tây Phú và Tây Xuân. Tây Phú gồm có 03 thôn: Phú Hiệp, Phú Thọ, Phú Mỹ; Tây Xuân gồm 03 thôn: Phú Xuân, Phú Hòa, Phú An. Đến tháng 01/2004, thành lập thôn Đồng Sim tách từ thôn Phú Hòa. Đến tháng 7/2006, thôn Phú Xuân được sáp nhập vào thị trấn Phú Phong. Từ đó đến nay, Tây Xuân còn lại 03 thôn: Phú Hòa, Phú An và Đồng Sim.
Hơn 30 năm chiến tranh chống thực dân và đế quốc, Tây Xuân có hàng trăm đồng chí, đồng bào, chiến sĩ đã đấu tranh dũng cảm, chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cho quê hương, đất nước. Hiện nay, toàn xã có 41 gia đình thân nhân liệt sĩ; 35 thương, bệnh binh; 35 người hưởng chế độ chính sách bị tù đày chính trị; một số trẻ em bị dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc màu da cam.
Với những đóng góp lớn lao về sức người, sức của của nhân dân trong kháng chiến, xã Tây Xuân (thuộc xã Bình Phú cũ) được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận: Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vào ngày 10/4/2001.
Ngoài truyền thống kiên cường đánh giặc cứu nước, Tây Xuân còn là cái nôi của miền đất võ, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật; có truyền thống yêu nước và hiếu học... Đó là những đặc điểm thuận lợi mà cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tây Xuân tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, từng bước đưa Tây Xuân giành thắng lợi vững chắc trên con đường đổi mới đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Hiện nay với sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND xã, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và các hội đoàn thể; sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong địa bàn xã đã tạo sự đồng thuận cao để triển khai tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng và HĐND xã đề ra. Năm 2015, xã Tây Xuân đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu năm 2023 đạt nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025./.